Có lẽ sau khi đọc bài Một góc nhìn về cơm 2000 đồng, có rất nhiều ý kiến phản hồi trái chiều, trong đó chỉ trích tác giả bài báo về góc nhìn độc đoán. Tuy nhiên có lẽ nhiều người Việt Nam ít để ý đến góc nhìn này trong cuộc sống và trong suy nghĩ. Mình sẽ thử áp dụng góc nhìn này vào trong một vấn đề đối với nhiều người có thể thấy đó là bình thường, có người còn không để ý đến sự tồn tại của nó. Đó là về đĩa Windows không bản quyền giá 5000 đồng.

Về mặt kinh tế, rõ ràng khi đĩa Win 5 nghìn được bán thì ở đâu đó sẽ có một nơi thất thoát một khoảng tiền bản quyền cho đĩa Win đấy. Một con số phỏng đoán về số lượng máy tính ở Việt Nam chừng 20 triệu máy (với 30 triệu người dùng Internet). Mỗi máy tính cần mua bản quyền ít nhất 2 phần mềm đó là Windows và Office là $350. Thì thiệt hại công ty đó đã là 7 tỷ đôla. Gần bằng giá trị bộ phận điện thoại đi động Nokia mới vừa được bán. Số này tuy lớn nhưng chắc cũng không thấm đâu so với con số báo cáo 300 tỷ mỗi năm mà nước Mỹ thiệt hại theo một báo cáo gần đây.
Nếu gọi là bán phá giá cũng không đúng, vì người làm ra có bán đâu, có người khác lấy đồ của mình rồi đi bán cho người khác với giá rẻ mạt. Nhiều người quan niệm phần mềm máy tính mà, chép là xong, có mất cái gì thật sự đâu nhỉ. Các khái niệm về sở hữu trí tuệ, bản quyền sáng chế, tác giả là một thứ gì đó hết sức xa xỉ. Nhưng nếu để ý kỹ thì mọi người có thể thấy đây là một hình thức phá giá hết sức tinh vi.
Theo bách khoa toàn thư Việt Nam: “Bán phá giá là tổng hợp những biện pháp bán hạ giá một số mặt hàng xuất khẩu nào đó để cạnh tranh nhưng có hiệu quả với những bạn hàng khác trên thị trường thế giới. Mục tiêu là đánh bại đối thủ, chiếm lĩnh thị trường ngoài nước hoặc kiếm ngoại tệ khẩn cấp, có khi cả mục tiêu chính trị.”.
Hậu quả của hành vi bán phá giá rất tàn khốc. Họ đã chiếm lĩnh thị trường tàn phá hết mọi nỗ lực mọi cố gắng dù là nhỏ nhất của những cá nhân trong nước. Chắc cũng có vài người để ý rằng Việt Nam cũng ra một vài phiên bản hệ điều hành, các phần mềm hỗ trợ. Nhưng với ưu thế độc quyền khi đã chiếm lĩnh thị trường cộng với cạnh tranh về giá họ đã bóp nghẹt những dự án ấy ngay từ trong trứng. Bạn có từng đặt câu hỏi họ đã có khả năng làm những phần mềm phức tạp như vậy sao họ lại không thể tránh chúng bị sao chép? Không xét đâu xa trên thế giới, ở Việt Nam nếu họ làm như vậy thì ngay lập tức họ sẽ mất 80% lượng người dùng. Số lượng người dùng tăng lên bao nhiêu % sẽ phụ thuộc vào khả năng chấp nhận chi trả cho sản phẩm đó tuy nhiên chắc chắn việc chuyển đổi sang một sản phẩm khác cũng không phải dễ dàng…
Có luồng suy nghĩ cho rằng chính giá rẻ như cho của các phần mềm không có bản quyền đã thúc đẩy nền công nghệ thông tin Việt Nam phát triển. Nhưng cái giá phải trả đó là chính các công ty phần mềm của Việt Nam hiện tại cũng chỉ biết đi gia công cho nước ngoài, vì biết rằng làm cho thị trường Việt Nam làm xong biết bán cho ai. Lại có người biện minh rằng do Việt Nam còn nghèo, mua bản quyền cũng chỉ tốn tiền cho tư bản nước ngoài thôi. Nhưng thật sự đĩa Win 5000 chỉ dành cho người *nghèo* hay không? Nếu so với chuẩn nghèo của TP HCM thì chắc hẳn họ không kiếm nỗi tiền để sở hữu máy tính vi tính. (Rất may mắn là điện thoại gần như đã được phổ cập). Vậy ai là những người dùng những đĩa Win 5 nghìn ấy? Học sinh, sinh viên, giáo viên, nhân viên văn phòng, kỹ sư, lập trình viên, thư kí … những người *nghèo* về kiến thức nhưng lỗi không phải do họ. Lỗi do chính hơn 10 năm sử dụng những phần mềm mà không hề có chút khái niệm nào. Với họ mua một cái máy vi tính bỏ tiền ra là xong, có mọi thứ để xài. Muốn thêm gì gọi kỹ thuật viên tới cài với giá 50 nghìn 1 lần. Họ cứ thế vô tư sử dụng cho đến khi, các nhà phát hành sản phẩm quyết định tới lúc để lấy tiền.
Đầu tiên là những người có tóc, những công ty sản xuất, nơi có tiền và chắc chắn chi tiền ra để hoạt động. Họ sẽ không tung một quả lưới bắt liền tất cả các con cá. Đầu tiên là những công ty nho nhỏ. Yêu cầu luật pháp giúp họ bảo vệ tài sản của mình. Bắt quả tang một vài vụ, phạt rồi cho lên báo chí, bên cạnh đó sẽ có các chương trình hỗ trợ các công ty chuyển đổi sang phần mềm có bản quyền hợp pháp. Đúng kiểu cây gậy và củ cà rốt. Đối với các công ty tăng thêm chút chi phí sản xuất nhưng không phải tối ngày lo sợ nơm nớp bị phát hiện vi phạm bản quyền. Điều này sẽ gây ra hiệu ứng dây chuyền. Đến lúc này đội bán hàng sẽ làm việc cật lực để đưa ra những phương án tốt nhất thu lời nhất và cũng không quá dồn dập khiến các con mồi sợ hãi phải tìm một phương án khác thoái lui. Chiến thuật chậm rãi nhưng cố gắng không để tuột mất bất kì đồng nào.
Còn những đối tượng có tiền khác thì sao? Đầu tiên là đến các nhà phân phối máy tính, khi mua máy tính sẽ được khuyến mãi một câu chưa bao gồm tiền bản quyền sản phẩm và mua máy về sẽ không dùng được. Sau đó sẽ khuyến khích khách hàng mua sản phẩm với các chương trình khuyến mãi và đặc biệt nghiêm cấm nhân viên của mình giúp cài phần mềm lậu. Khách hàng có tiền mà không có nhiều kiến thức máy tính sẽ ngại việc này, có thể nhờ kỹ thuật viên ở đây hoặc đâu đó cài máy tính với giá 50 nghìn đồng như trước. Nhưng nếu lựa chọn việc bán một sản phẩm phần mềm vài triệu để lấy hoa hồng cao hơn, thì các bạn biết họ sẽ chọn cách nào.
Có vẻ được lợi ở đây nhất cho cái rẻ này chính là các bạn sinh viên học sinh, chắc mọi người vẫn biết sinh viên nghèo và tiết kiệm cỡ nào. Không tốn tiền cho việc học máy tính mở mang kiến thức, lại có thể tự cài phần mềm lậu trên máy của mình mà không lo sợ bị bắt hay xử lý. Vì có ai hơi đâu mà kiện sinh viên cơ chứ. Nhưng những sinh viên đó không biết mình đang tự biến thành những zombies…
Quả thật viết đến đến đây mọi người nghĩ các bạn sinh viên đã có cần câu có thể dùng nó để kiếm tiền. Nhưng với quan niệm của mình cái mà các bạn sinh viên có được chỉ là một con cá có dính virus và chất gây nghiện trong đó. Lý do ư, tại sao các bạn lại nói tiếng Việt mà không phải là ngôn ngữ khác? Đó là vì lúc mới sinh ra mọi người xung quanh đã dùng tiếng Việt nó ảnh hưởng đến quá trình học tập ngôn ngữ của bạn. Với máy tính đã thế, ngay từ khi tiếp cận các bạn đã dùng Windows cùng các bộ ứng dụng đi kèm, vậy ngoài ra có một phần mềm nào khác thay thế hay không? Các bạn không cần biết, vì nó quá dễ dùng, phổ biến và đã quá quen thuộc để thay đổi rồi. Đó cũng là lý do tại sao học ngôn ngữ thứ 2 sẽ khó khăn hơn. Không biết gì chỉ cần hỏi bạn bè, thầy cô và lên diễn đàn để hỏi. Các bạn sẽ ăn con cá này một cách miễn phí cho đến khi nào các bạn có thể đủ trả tiền để mua con cá ấy khi làm việc ở các công ty. Các công ty buộc phải mua bản quyền Windows và Office vì sao? Vì nhân viên của họ chỉ quen xài được dạy và có khi chỉ biết được mỗi phần mềm ấy. Chi phí để tuyển lựa người khác để dạy để đào tạo và để nhân viên có thể làm việc được tốt như khi đã quen được các công ty bán phần mềm PR rằng lớn hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền. Thế là chi phí sản xuất tăng lên, chắc chắc cũng ảnh hưởng một phần nhỏ đối với người lao động. Còn việc chỉ mua một số thôi à, cái nào không cần thì không mua dùng cái khác. Nhưng rất tiếc rằng các nhà sản xuất không làm được việc chống phần mềm của mình bị ăn cắp nên cũng không làm cho phần mềm mình có thể chạy trơn tru với những phần mềm cạnh tranh khác được. Có một thuật ngữ nói về điều này đó là Vendor lock-in, và chỉ làm được điều này khi độc quyền chiếm được thị trường. Muốn thoát được điều này cần một lực rất lớn và mạnh.
Còn các bạn ngành công nghệ thông tin sao? Các bạn được cho tặng tất cả từ Windows đến bộ công cụ lập trình một cách hào phóng. Nhưng những viên kẹo ngọt trước mắt như vậy sẽ làm các bạn không quan tâm và không để ý đến vấn đề bản quyền nữa. Các bạn sẽ là những người dẫn dắt nền công nghệ thông tin Việt Nam trong tương lai. Việc các bạn chỉ chú ý đến những công nghệ độc quyền kia cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều con đường sắp tới, điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả đất nước ta phụ thuộc vào một hãng công nghệ nước ngoài như thế?
Nhưng đó chỉ là quá khứ và hiện tại
Chưa phải là tương lai của chúng ta. Gần đây theo các số liệu thống kê thị phần máy tính đang bị tuột dốc, doanh số máy tính laptop đang bị điện thoại thông minh, tablet đe dọa nghiêm trọng. Trong cuộc chơi này có thể Apple đã một thời là người dẫn đầu nhưng hiện tại ngôi vương hệ điều hành Android. Windows đang chật vật tìm đường đi trong lĩnh vực này. Nhưng cái chúng ta nói đến chính là sự thành công của phần mềm tự do mã nguồn mở. Một thời Linux lay lắt ở thị phần máy tính trong khoảng 1% (ở thị trường máy chủ thì Linux đã chứng tỏ được mình). Nhưng ở đây ai dám chắc rằng số lượng điện thoại thông minh sẽ không lấn áp được số lượng máy tính cá nhân? Những đứa con nít 3,4 tuổi sẽ nghịch chiếc điện thoại/ máy tính bảng hay là ngồi gõ máy với con chuột? Chẳng mấy chốc có khi người ta cũng quyên đi công dụng của máy tính cá nhân cũng như đã quên cái đĩa mềm là gì. Điểm mấu chốt ở đây là phần mềm tự do công nghệ mở/ nền tảng mở đưa ra cơ hội cho tất cả những ai tiếp cận. Có biết bao nhiêu biến thể Android, có thể chạy trên vô số thiết bị so với việc chỉ có iOS và Windows Phone do chính nhà cung cấp phát hành? Ngay cả các bạn lập trình viên ở Việt Nam cũng có đủ khả năng để chế ra một hệ điều hành dựa trên Android, nhân Linux theo sở thích cá nhân và chia sẽ nó đến những người khác. Các tiêu chuẩn mở không độc quyền sẽ giúp các phần mềm làm việc trơn tru với nhau hơn cơ hội chia đều cho tất cả các nhà sản xuất. Phần mềm tự do là một sản phẩm của nhân loại, cũng như bao phát minh của loài người. Nếu mỗi cá nhân đều có thể đóng góp theo cách này hoặc cách khác thì việc họ sử dụng phần mềm nào, ra sao chính là quyền tự do của mỗi người. Việc kiếm tiền của các công ty phần mềm sẽ không còn nhờ vào bán sản phẩm mà sẽ chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ, hỗ trợ và tùy biến theo yêu cầu. Các công ty địa phương có đủ khả năng để vận hành và thế không phải phụ thuộc vào bất kì một công ty đa quốc gia nào các nửa vòng trái đất. Ngành công nghệ thông tin phát triển bằng chính nội lực, đi trên đôi chân của mình sẽ bền vững hơn là việc vay mượn từ một nơi nào đó, cũng phải trả khi đúng hẹn mà còn lại mang tiếng ăn cắp.
Vậy thì tương lai của đĩa Windows 5000 đồng trên thế giới sẽ ở đâu chắc mọi người cũng đoán được, và đây chính là lúc những người Việt Nam sẽ phải quyết định tương lai của mình hay là sẽ trở thành những thị trường cuối cùng của một đế chế đã ở đỉnh cao nhất.
Tuy nhiên tương lai
Bước vào chặn đường phát triển mới sẽ có những vấn đề mới. Khi máy tính hoạt động kết nối với nhau tự do và chi phối mọi hoạt động của con người viễn cảnh như phim Kẻ hủy diệt chắc cfn xa vời lắm. Nhưng việc các công ty cung cấp sản phẩm dịch vụ nắm được rất nhiều thông tin dữ liệu của chúng ta cũng là một mối lo đáng để đề phòng và suy nghĩ ngay từ bây giờ.
Tài liệu này theo giấy phép: CC BY 3.0 VN. Bạn được phép:
Chia sẻ — quyền sao chép, phân phối và truyền tải tác phẩm
Sửa đổi — bạn được phép sửa đổi nội dung được chia sẻđể sử dụng tác phẩm cho mục đích thương mại
Mình mới đọc một nửa bài viết thôi mà thấy rất hay. Nhưng có 1 góp ý nhỏ là đĩa win 5000đ có thể đúng với thời trước, khi windows 7 chưa ra đời. Kể từ lúc windows 7 ra đời cộng với lạm phát nên giá DVD chỗ mình Hả Phòng toàn là 20000đ thôi.